Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với hơn 1 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, công ty. Đây là đội ngũ đã góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Trao đổi với phóng viên về lĩnh vực này, Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải nhận định công tác chăm sóc sức khỏe người lao động (NLĐ) vẫn còn lỗ hổng lớn. Sáu điều mong muốn của tất cả các sếp đối với nhân viên của mình, đọc ngay http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/6-dieu-sep-mong-muon-thay-o-nhan-vien-437050.html Ông có thể nêu rõ những lỗ hổng trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh? - Đồng Nai hiện có Trung tâm chăm sóc sức khỏe lao động và môi trường với đội ngũ hơn 100 cán bộ làm công tác chuyên môn. Nhiều năm qua, trung tâm hoạt động khá hiệu quả đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe NLĐ. Song đến nay cũng mới chỉ có khoảng 40% số doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động; còn lại hơn 60% doanh nghiệp vẫn tìm cách lách luật, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, mặc dù Luật An toàn vệ sinh lao động đã có hiệu lực hơn 1 năm nay. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự xem việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh cho NLĐ, trong khi lại tìm cách đối phó với các đoàn kiểm tra. Theo ông, điều đó ảnh hưởng thế nào đối với đời sống NLĐ? - Thực tế này tồn tại khá lâu, đến nay vẫn chưa giải quyết được. Theo khảo sát mới nhất của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), có đến 75% NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp ở môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị bệnh bụi phổi, các bệnh về đường hô hấp, điếc công nghiệp... Theo Sở Y tế, tính đến tháng 10-2017 mới chỉ có 890/1.800 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý sức khỏe - vệ sinh môi trường lao động đối với người lao động. Trong đó, đáng chú ý là có 550 cơ sở có yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ dẫn đến nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp. Ngay cả đối với những doanh nghiệp có hồ sơ quản lý sức khỏe lao động vẫn chỉ mang tính hình thức, chủ yếu nhằm đối phó với cơ quan chuyên trách. Mặt khác, khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, có doanh nghiệp đồng ý nhận thầu với giá 8-20 ngàn đồng/lượt khám (bằng 1/10 chi phí theo quy định của Bộ Y tế). Thực chất, đây là hành vi “mua” giấy chứng nhận khám bệnh. Thời gian qua, ngành y tế đã xử lý một số cơ sở y tế không có chức năng, không đủ điều kiện tham gia làm dịch vụ khám sức khỏe NLĐ, kể cả làm giả hồ sơ sức khỏe công nhân, sao y kết quả xét nghiệm, chiếu chụp… gây nguy hiểm đến thể trạng NLĐ nên rất cần được các cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra và xử lý. Bởi khi cơ sở y tế tiếp tay với doanh nghiệp lừa dối cơ quan chức năng thì chịu thiệt thòi nhất là NLĐ. Nếu NLĐ không được khám và làm đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm, không phát hiện được bệnh để được chữa trị sớm, hoặc bố trí công việc khác nhẹ hơn thì khi phát hiện bệnh chậm sẽ dẫn đến điều trị khó khăn, tốn kém, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế không được cấp phép khám sức khỏe định kỳ cũng “nhảy” vào làm dịch vụ này. Ông cho biết ngành y tế đã làm gì để ngăn chặn tình trạng trên? - Đồng Nai hiện có 77 cơ sở y tế (gồm 13 bệnh viện, trung tâm y tế và 54 phòng khám đa khoa), nhưng chưa tới 10 cơ sở đủ điều kiện được cấp phép khám bệnh nghề nghiệp. Theo quy định, để được khám bệnh cho đội ngũ công nhân lao động đòi hỏi cơ sở y tế phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn nhân lực, trang thiết bị, trình độ y bác sĩ, số khoa phòng, cơ sở vật chất… Để ngăn chặn tình trạng cơ sở y tế không đủ điều kiện nhưng vẫn “nhảy” vào kinh doanh dịch vụ khám bệnh nghề nghiệp, ngành y tế đang tăng cường quản lý, giám sát những cơ sở xin cấp phép khám định kỳ để thực hiện tốt công tác này một cách hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh đã giao cho ngành lao động - thương binh và xã hội cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức thực hiện công tác khám bệnh định kỳ cho NLĐ, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động được tốt nhất. Ngoài ra, ngành y tế đề xuất tăng chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp có nhiều công nhân lao động nhưng chưa thực hiện đầy đủ việc khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cũng như cải thiện môi trường làm việc theo quy định. Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/