Giáo dục giới tính cho trẻ theo từng độ tuổi như thế nào? Những thông tin cụ thể được giới thiệu trong bài viết này sẽ giúp cha mẹ tự tin hơn khi giáo dục giới tính cho con. (Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 6 , học thêm toán 7 , luyện thi vào 10 tại Hà Nội) Không bao giờ là quá sớm để trò chuyện với con về vấn đề vẫn được coi là nhạy cảm này. Chuyên gia tâm lý phát triển và giáo dục Singapore, Pamela See, khẳng định, lên 1 tuổi, trẻ đã ý thức về mặt tinh thần sự khác biệt giới. Dù trẻ chưa thể chỉ ra chính xác như thế nào. Bạn càng giáo dục giới tính cho con sớm bao nhiêu – cụ thể là những thay đổi cơ thể sẽ trải qua theo thời gian cũng như cách thức phát triển giới tính của con – trẻ sẽ càng tự tin khi đối mặt với những biến đổi đó. Trò chuyện một cách chân thực, cởi mở về giới tính, về quan hệ tình dục, về cơ thể người giúp trẻ hiểu rằng, tình dục và giới tính là mặt bình thường và lành mạnh của cuộc sống. Tuỳ theo độ tuổi của con, cha mẹ nên lựa cách nói chuyện và những thông tin cần cung cấp cho con một cách phù hợp. Trẻ 0-2 tuổi Cho đến 2 tuổi, trẻ nên có khả năng gọi tên tất cả các bộ phận cơ thể, bao gồm của bộ phận sinh dục Phần lớn trẻ 2 tuổi biết được sự khác biệt giữa nam và nữ. Trẻ thường nhận biết không khó khăn ai là nam và ai là nữ. Trẻ 3-5 tuổi 1. Nếu con bạn hỏi những câu nhạy cảm về giới tính Hãy trả lời con càng chân thực càng tốt. Ví dụ: trẻ mầm non có thể hỏi những câu rất cơ bản như: “Em bé vào bụng mẹ như thế nào?” hay “Đây là cái gì?” khi chỉ vào ngực/vú hoặc bộ phận sinh dục của người trưởng thành. 2. Bạn nên tận dụng tối đa bản tính tò mò của trẻ để khơi dậy những cuộc trò chuyện về bất cứ chủ đề nào trẻ nêu ra. Lưu ý: giải thích cho con bằng ngôn từ dễ hiểu với trẻ. Ví dụ: khi con hỏi về bộ phận sinh dục của mình, bạn có thể trả lời ngắn gọn rằng: đó là một phần cơ thể, nơi nước tiểu sẽ thoát ra ngoài. Sau đó, nhắc nhở con rằng trẻ không nên phô bày bộ phận sinh dục ra ở nơi công cộng. Bởi hành động này sẽ làm những người xung quanh cảm thấy khó chịu. 3. Nói với con về không gian riêng và con cần làm gì khi có ai đó đứng quá gần mình. Khuyên con nói “Xin thứ lỗi” bằng giọng điệu lịch sự và nhắc người đó không xô đẩy người khác. Vì làm thế là rất mất lịch sự. 4. Dạy con sự khác biệt giữa sự đụng chạm tốt và xấu. Bên cạnh đó, bạn cần hướng dẫn con những việc phải làm nếu con bị đụng chạm xấu. Ví dụ: Nếu một người lớn vỗ nhẹ vào lưng con để khen con điều gì đó thì không có gì xấu. Nhưng không ai được chạm vào bộ phận riêng tư trên cơ thể con. Lý giải về việc đụng chạm tốt Bạn có thể lấy ví dụ để con dễ hình dung: Đó là những động tác đụng chạm khiến con cảm thấy vui vẻ, thoải mái, như một cái ôm của người thân, cái đập tay ăn mừng của bạn… Trong khi đó, đụng chạm xấu thể là một trong những trường hợp sau: Đụng chạm không an toàn: Hành động hoặc cử chỉ làm tổn thương cơ thể hoặc cảm xúc của con. Ví dụ: đá, đẩy, đấm, cấu véo. Nói với trẻ rằng những người chạm vào con theo cách thiếu an toàn như vậy là không đúng. Do đó, trẻ cũng không nên làm vậy với người khác. Đụng chạm không mong muốn: Đó là khi trẻ không muốn, không sẵn sàng mà vẫn bị đụng chạm hoặc nó làm cho trẻ thấy khó chịu Đó là một cái ôm khi trẻ vẫn đang tức giận hoặc một người lạ chạm vào bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ, đặc biệt nếu không phải liên quan tới nhân viên y tế khám chữa bệnh cho con. Hãy giúp trẻ thực hành cách nói “không” kiên quyết và lịch sự trước những đụng chạm không mong muốn. Sau đó, nói với con tìm kiếm người để trợ giúp con khi cần. Đó có thể là người thân hoặc giáo viên chủ nhiệm. 5. Trước khi lên 5 tuổi, bạn nên dạy con cách đi nhà vệ sinh tuỳ theo giới tính của trẻ. 6. Nếu bạn đang có bầu, hãy nói với con về thai kỳ Cụ thể hơn: cách thai nhi lớn lên trong bụng và bạn sẽ sinh ra một em bé như thế nào. Có thể dùng những cuốn sách thân thiện với trẻ nhỏ như “Baby on the Way” của Martha Sears hoặc “What makes a baby” của Cory Silverberg để minh hoạ cho những gì bạn giải thích. Trẻ 6-9 tuổi Dùng các hình ảnh phù hợp với tuổi về giải phẫu cơ thể nam và nữ để chỉ cho trẻ thấy sự khác biệt về giới. Khi trẻ 9 tuổi, bắt đầu trò chuyện với con về những thay đổi thể chất khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Trẻ 10 tuổi trở lên 1. Để trẻ biết rằng cảm giác thôi thúc về bản năng tình dục là một phần tự nhiên của giai đoạn dậy thì. Tuỳ thuộc niềm tin gia đình, bạn có thể muốn tâm sự với con về thủ dâm. Khi một đứa trẻ hỏi bạn rằng, việc tự đụng chạm vào bộ phận sinh dục của mình có ổn không, giải thích cho trẻ biết việc đó không sao nếu nó mang lại cảm giác dễ chịu và chỉ khi trẻ tuân thủ quy tắc. Đó là chỉ nên thực hiện việc này ở không gian riêng tư, với cánh cửa khoá chặt và không có ai ở bên. Nếu tôn giáo của bạn phản đối những hành vi tình dục này, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có trách nhiệm để tìm cách phù hợp giải thích cho con. 2. Giải thích cho con biết, con gái có thể mang thai trong giai đoạn dậy thì. Vì vậy, quan trọng là trẻ phải trang bị kiến thức về tình dục an toàn và biện pháp tránh thai. Bất kể niềm tin và quan điểm của gia đình bạn về tình dục trước hôn nhân như thế, giáo dục trẻ hoãn quan hệ tình dục tới khi lớn hơn là việc cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh sự cấp thiết của việc thực hành quan hệ tình dục an toàn. 3. Sử dụng các nguồn tài nguyên trên mạng khi bạn trò chuyện với trẻ về bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV-AIDS, làm nổi bật các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh. 4. Trò chuyện chân thật và cởi mở để trẻ hiểu rằng, trẻ có thể có cảm tình với người cùng giới hoặc khác giới. Các rắc rối trong mối quan hệ con trai – con trái là một trong những nguyên nhân hàng đầu các vụ tự tử ở học sinh. Do đó, quan trọng là luôn nhắc con rằng, trẻ có thể tìm đến bạn bất cứ khi nào để được trợ giúp. 5. Một lưu ý không kém phần quan trọng với phụ huynh là tuyệt đối không phán xét trẻ khi giáo dục giới tính cho trẻ. Trẻ cần phải được đảm bảo sẽ có một người đáng tin cậy và sẵn sàng giúp đỡ trẻ giải quyết vấn đề mà không chỉ trích, làm nhục trẻ. Theo Smart Parents