Luận anh hùng World Cup hôm nay bàn về chuyện Croatia, đương kim Á quân Thế giới, không hạ được một Morocco vô danh và Đức hùng mạnh bị thua ngược Nhật Bản dù lấn lướt toàn tập. Những kẻ anh hùng đó sa cơ cũng chỉ bởi không ghi được bàn thắng. Xem thêm: Nhan dinh bong da hom nay Croatia sở hữu Luka Modric, một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới trong thế hệ của mình. Họ có Mateo Kovacic toàn năng hoặc Marcelo Brozovic gai góc, nói chung đều là những tiền vệ tuyệt vời, có thể chơi bóng theo nhiều kiểu khác nhau. Hiếm thấy ĐTQG nào quy tụ được hàng loạt tiền vệ đầy tài năng, như Croatia. Phải làm sao nếu không có quá nhiều tài năng cá nhân? Dĩ nhiên lối chơi, chiến thuật sẽ là câu trả lời. Nếu như bóng đá Croatia dồi dào tài năng tiền vệ thì bóng đá Đức lại là ngọn cờ đầu về lối chơi trong khoảng chục năm gần đây. Triết lý “Gegen-pressing” thời thượng là đặc sản của bóng đá Đức, ngay từ tên gọi của nó. Trong triết lý này, hàng công phải hoạt động liên tục, vất vả như thế nào, để nhanh chóng đoạt lại quả bóng hoặc gây áp lực ngay từ phần sân đối phương, người ta đã bàn mãi trong rất nhiều năm. Điểm chung giữa triết lý gây áp lực ngay từ hàng công của bóng đá Đức đến sự hoa mỹ của tiền vệ Croatia là sự phức tạp. Khi các đội này thành công, đấy thường là kiểu thành công… không dễ xem, dễ hiểu đối với giới mộ điệu thông thường. Và do không hề dễ xem, dễ hiểu, các nhà chuyên môn và giới bình luận tha hồ phóng bút tô vẽ. “Cổ Học Tinh Hoa” có chuyện nhà vua hỏi họa sĩ, rằng vẽ gì khó nhất hoặc dễ nhất. Họa sĩ trả lời: vẽ chó vẽ ngựa mới khó, vì nếu không giống thì lộ ngay là không biết vẽ. Vẽ rồng vẽ phượng, vẽ thần tiên ma quỷ đều dễ, do đâu ai biết vẽ thế là đúng hay sai! Hoa mỹ, cầu kỳ, phức tạp đến đâu đi nữa, thì chuyện rõ ràng vẫn là Croatia và Đức không thể ghi bàn (vâng, Đức ghi 1 bàn từ chấm phạt đền) trong trận ra quân ở World Cup. Họ đều không có tiền đạo “sát thủ”. Muốn thắng thì phải ghi bàn, thế thôi! Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lệnh Hồ Xung may mắn học được kiếm pháp tuyệt luân của Độc Cô Cầu Bại. Chỉ việc quơ ngay mũi kiếm vào tử huyệt đối phương là thủ thắng. Độc Cô Cửu Kiếm không có chiêu nào mang tính phòng thủ, triển khai, kiến tạo, không chút rườm rà, phức tạp, vì tóm lại là đều không cần thiết. Ngay từ chiêu đầu tiên là đã chiếm thượng phong rồi. Đối thủ có xuất sắc tránh được thì từ chiêu kế tiếp vẫn cứ phải lo phòng thủ, tránh né, cho tới khi trúng kiếm mà thôi. So tài với Lệnh Hồ Xung, giáo chủ Ma Giáo Nhậm Ngã Hành tiện thể bàn về sự rỗng tuếch của bọn cao thủ cứ muốn lấy hoa mỹ, phức tạp làm đầu. Đó là nhóm Giang Nam Tứ Hữu lừng danh, vốn say mê cầm kỳ thư họa, chọn vũ khí là những thứ như tiếng đàn, bàn cờ, phán quan bút. Họ Nhậm lạnh lùng: Bước vào cuộc chiến sinh tử, thi triển được hết khả năng để không đến nỗi mất mạng là đã may mắn lắm rồi. Đánh nhau bằng bàn cờ với phán quan bút thì dù phức tạp, hoa mỹ đến đâu, cũng giảm hẳn hiệu quả. Gặp phải đối thủ ngang hàng mà lại đánh nhau bằng cầm kỳ thư họa, có khác gì tự diệt vong? Giang Nam Tứ Hữu “nghe chửi” mà cứ đổ mồ hôi hột, thầm cảm ơn lão Nhậm nói quá chí lý! Không có tiền đạo giỏi, cả hàng tiền vệ tuyệt luân của Croatia trở nên uổng phí. Đức thì đã không có tiền đạo giỏi, lại cứ muốn tiền đạo phải ưu tiên… Gegen-pressing, trước khi tìm cách ghi bàn.