Luật sư Hoàng Trọng Giáp đưa ra những tình huống khác nhau khi CLB B.Bình Dương và Đào Tấn Lộc có thông tin trái chiều xung quanh chuyện cầu thủ này bị kỷ luật trừ 80% lương và chuyển xuống đội trẻ. Xem thêm: Nhận định bóng đá hôm nay Hai ngày qua, câu chuyện cầu thủ Đào Tấn Lộc của B.Bình Dương nói mình bị bị xử lý kỷ luật trừ 80% lương và chuyển xuống đội trẻ cùng với lý do tự ý nghỉ việc được nhiều người quan tâm. Lộc phản ánh trên trang cá nhân của mình rằng thực hiện nghĩa vụ quân sự theo diện dự bị một thời gian ngắn, anh trở về đội trình diện và tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhưng, ngay sau đó, Lộc đã bị kỷ luật. Trao đổi với phóng viên báo Dân trí sáng 16/11, Chủ tịch CLB B.Bình Dương Hồ Hồng Thạch nói: "Không có chuyện B.Bình Dương tự ý xử lý kỷ luật cầu thủ Đào Tấn Lộc mà không có lý do. Cũng không có chuyện CLB kỷ luật cầu thủ của mình vì cầu thủ đấy thực hiện nghĩa vụ quân sự". Theo ông Thạch: "CLB tìm hiểu thì cậu ta cũng chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự". Cũng theo phía CLB B.Bình Dương, cầu thủ Đào Tấn Lộc đã tự ý vắng mặt ở đội bóng này từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 3 mà không rõ lý do. Phía CLB cũng nhiều lần liên lạc để hỏi lý do vắng mặt, nhưng không nhận được câu trả lời. Trước những thông tin trái chiều trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, và Luật lao động hiện nay đều có quy định về việc cầu thủ bóng đá được tạm hoãn hợp đồng lao động để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Những khả năng xảy ra trong vụ CLB B.Bình Dương cắt giảm lương cầu thủ - 1 Đào Tấn Lộc trong màu áo CLB B.Bình Dương (Ảnh: FBNV). Theo đó, Điều 25 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định: Cầu thủ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Cầu thủ đang trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự mà chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự vẫn được phép ký hợp đồng thi đấu bóng đá chuyên nghiệp. Ngoài ra, câu lạc bộ, đội bóng có trách nhiệm tạo điều kiện để cầu thủ thực hiện nghĩa vụ quân sự kể cả khi hợp đồng ký giữa cầu thủ với câu lạc bộ, đội bóng còn hiệu lực. Cạnh đó, Điều 30 Bộ Luật lao động 2019 cũng có quy định người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ thì được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ được đương nhiên tạm hoãn thực hiện mà không cần phụ thuộc vào ý chí của người sử dụng lao động. Hết thời hạn tạm hoãn thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động 2019. Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn. Từ phân tích trên, luật sư đã đưa ra những tình huống khác nhau. Theo đó, nếu cầu thủ đi nghĩa vụ thật mà CLB B.Bình Dương vẫn trừ lương cầu thủ là sai. Bởi trong trường hợp này cầu thủ chỉ tạm nghỉ việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng do bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự chứ không phải tự ý nghỉ việc vì lý do cá nhân, không vi phạm quy định về nghĩa vụ của người lao động quy định trong bộ luật lao động Việt Nam. Nếu cầu thủ không thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà nghỉ sinh hoạt ở CLB vì lí do cá nhân là vi phạm kỷ luật lao động. Trường hợp này CLB B.Bình Dương có quyền xử lý kỷ luật lao động với cầu thủ vi phạm theo trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động quy định tại Điều 122 Bộ Luật Lao động 2019. Luật sư Giáp nhấn mạnh hình thức xử lý kỷ luật lao động sẽ có 4 hình thức: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; Cách chức, Sa thải (Điều 124 Bộ luật lao động năm 2019). Điều 127 Bộ Luật lao động năm 2019 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động". "Do đó, tôi nhận thấy hình thức xử lý kỷ luật lao động của CLB B.Bình Dương với cầu thủ trong trường hợp này là vẫn còn chưa phù hợp với quy định Luật Lao động", vị luật sư nói. Luật sư cho rằng, dù thế nào các bên vẫn phải tuân thủ triệt để quy định về quyền, nghĩa vụ dành cho người sử dụng lao động (phía CLB) và quyền, nghĩa vụ dành cho người lao động (cầu thủ). Đặc biệt, với cầu thủ là người lao động với lí do nào đi chăng nữa thì khi rời CLB phải có nghĩa vụ thông báo, báo cáo kèm theo các tài liệu chứng minh cho những lí do rời CLB để CLB xem xét, sắp xếp công việc cũng như nhân sự hoạt động thay thế. Trao đổi với Dân trí, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng nếu các tài liệu CLB B.Bình Dương cung cấp chứng minh rằng cầu thủ Đào Tấn Lộc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của CLB thì cầu thủ này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhẹ thì có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định của Chính phủ, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Thậm chí có thể bị xử lý hình sự về hành vi Vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015.