Trong bài viết cho VnExpress, trung vệ Đỗ Duy Mạnh hồi tưởng về chặng đường từ cậu bé đá bóng nhựa đến trụ cột của đội tuyển Việt Nam. Anh nhớ lá cờ đỏ thắm giữa tuyết trắng Thường Châu và cả những giọt nước mắt cho Đình Trọng. Xem thêm: ti le keo chau a Duy Mạnh chơi quyết liệt khi Việt Nam hoà Thái Lan hai trận cùng với tỷ số 0-0 tại vòng loại World Cup 2022-khu vực châu Á. Ảnh: Lâm Thoả. Tôi đã xem đi xem lại pha bóng dẫn đến chấn thương của mình nhiều lần, nhưng đến một lúc, tôi buông điện thoại xuống, quyết định không xem nữa, cũng chẳng tự vấn nữa. Chấn thương đã diễn ra, và tôi chỉ có duy nhất một lựa chọn: chấp nhận, luyện tập và chờ ngày trở lại. Khi ngã xuống sau pha va chạm với Amido Balde, tôi lập tức cảm thấy không ổn. Là một người máu lửa, chỉ cần có một cơ may đá tiếp, tôi sẽ tiêm thuốc giảm đau và trụ đến hết trận. Nhưng lúc ấy, tôi biết mình sẽ phải rời sân, ngay phút thứ tư của trận Siêu Cúp Quốc gia với TP HCM. Cảm giác phải ngồi ngoài, bất lực nhìn các đồng đội chiến đấu khi không có mình thật sự rất kinh khủng. Nhưng tôi không khóc. Từ TP HCM bay về Hà Nội, tôi đến một phòng khám tại Trần Quốc Toản để chụp MRI. Thường sẽ mất 30 đến 45 phút mới có kết quả. Nhưng chụp xong, bác sĩ chưa cần xem qua phim đã biết tình hình tôi rất nghiêm trọng. "Đứt dây chằng", ông nói. Nghe ba chữ khủng khiếp ấy, vợ tôi òa khóc. Nhưng tôi không khóc. Không phải là tôi không buồn, không sợ, nhưng trong cuộc sống, có những thứ mà ta phải chấp nhận. Bóng đá cũng đã cho tôi rất nhiều, giờ phải mất mát chút chứ. Rồi tôi ôm vợ vào lòng, trấn an: "Nào em, không sao đâu. Rồi anh sẽ trở lại". Bác sỹ đến tận nhà, trị liệu cho Duy Mạnh. Ảnh: Lâm Thoả. Nhiều người nói: trong pha tranh chấp ấy tôi chỉ cần chích quả bóng nhẹ ra hết biên, chấn thương đã không xảy ra. Họ nói tôi không nhất thiết phải vận lực phá bóng lên thật mạnh, khiến va chạm xảy ra, tiếp đất không tốt và không đứng dậy được nữa. Những ngày phải chống nạng đi lại vất vả ở PVF, tôi cũng suy nghĩ nhiều về những bình luận ấy. Và để tôi nói lại với bạn điều này: nếu cho tôi lựa chọn lần nữa, tôi vẫn sẽ phá quả bóng ấy lên thật xa. Trong bóng đá, chúng ta không bao giờ biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Có những pha va chạm mạnh hơn gấp trăm lần, tôi vẫn không chấn thương. Nhưng chỉ với một cú phá bóng ngỡ như bình thường, tôi lại bị đứt dây chằng. Bóng đá đẹp, tàn nhẫn và thú vị chính bởi những chuyện không thể ngờ đến. Và vì không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra, chúng tôi chỉ có duy nhất một thái độ khi bước vào sân: HẾT MÌNH. Giờ để tôi kể cho bạn nghe vì sao tôi lại phá quả bóng ấy lên cao thay vì đá nhẹ ra ngoài để chịu quả ném biên. Tôi mê bóng đá từ rất sớm, dù trong dòng họ không ai chơi thể thao chuyên nghiệp. Hồi lớp một, tôi suốt ngày đi đá bóng nhựa với chúng bạn trong xóm. Mẹ kể có hôm tôi còn ôm cả quả bóng đi ngủ. Lớn lên, tôi rất thích các tiền vệ tài hoa như Zinedine Zidane, Luis Figo, Kaka... - những người sẽ chuyền quả bóng như dọn cỗ đến cho các tiền đạo ghi bàn. Họ là những người mạo hiểm, chỉ cần một cơ hội đưa quả bóng lên trên thì dứt khoát sẽ không chuyền ngang hay chuyền về. Họ thích tiến lên, họ thích tấn công, họ muốn chiến thắng. Tôi đá tiền vệ từ trong xóm, ra tới huyện rồi lên thành phố. Từ các giải trẻ lên đội một Hà Nội, từ Nhổn đến Mỹ Đình, từ giải hạng Nhất lên V-League, từ chỗ đá với những người bạn cùng trang lứa đến việc làm đồng đội với những anh tài như Thành Lương, Văn Quyết, Ngọc Duy, Gonzalo, Samson... tôi đều đá tiền vệ. Tôi không bao giờ quên lần đầu tiên vào sân tại V-League. Đó là trận ra quân mùa giải 2015, Hà Nội T&T đụng độ Đồng Tâm Long An. Anh Bùi Văn Hiếu đang đá thì chấn thương đùi sau. HLV Phan Thanh Hùng đưa tôi vào thay thế. Tôi hăm hở vào sân, tận hưởng cái cảm giác được chơi bóng đỉnh cao ở tuổi 19. Hà Nội T&T bị dẫn 0-1 và cả đội đang lao lên tìm bàn gỡ. Phút thứ 72, bóng đến chân Thành Lương. Anh thoát xuống đáy rồi chuyền ngược trở lên. Từ rìa vòng cấm, tôi lao đến sút ngay. Bóng đập nhẹ Hoàng Lâm rồi lăn vào lưới, gỡ hòa 1-1. Ghi bàn đầu tiên ngay trận chào sân V-League, còn màn ra mắt nào tuyệt vời hơn thế. Rồi tôi tiếp tục tiến lên. Tôi không bị khớp dù quanh mình toàn những đàn anh tài hoa, tôi chỉ thấy vui vì mình có thể học hỏi hàng ngày từ họ. Rồi định mệnh diễn ra trước thềm trận đấu trên sân của Felda (Malaysia) ở AFC Cup 2017. Hôm ấy, đội mất sạch trung vệ. Một ngày trước trận, HLV Chu Đình Nghiêm gọi tôi lên, và hỏi: "Cháu đá trung vệ được không?" Tôi không suy nghĩ gì, lập tức đáp: "Đá ở đâu không quan trọng. Chỉ cần đội cần là cháu sẽ vào sân và cố gắng đá HẾT MÌNH". HLV mỉm cười và bố trí tôi đá trung vệ. Từ sau trận ấy, tôi đã trở thành một trung vệ thực thụ. Gia đình chung vui cùng Duy Mạnh sau khi anh cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Ảnh: Lâm Thoả. Có một sự khác nhau lớn ở hai vị trí. Là tiền vệ, bạn được cầm bóng nhiều hơn, chuyền nhiều hơn và mạo hiểm hơn. Nhưng ở trước hàng thủ, một trung vệ phải đặt an toàn lên trên hết. Phải quyết đoán, vì một chần chừ là một sai lầm, một sai lầm là một bàn thua. Cái giá phải trả rất lớn. Nhưng vì đã đá tiền vệ nhiều năm, tôi vẫn có bản năng chuyền bóng. Nên khi thấy có cơ hội chuyền được bóng cho tuyến đầu, tôi sẽ tận dụng để chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Hãy cũng trở lại với pha bóng dẫn đến chấn thương dây chằng của tôi. Pha bóng ấy, đúng là tôi hoàn toàn có thể chọn phương án dễ dàng là chích cho quả bóng ra hết biên, kết thúc tình huống lên bóng của đối phương. Nhưng tôi vẫn mở tốc độ, lao đến và đá quả bóng mạnh lên. Có lẽ vì cái bản năng tiền vệ như tôi đã nói, không chỉ muốn phá bóng cho xong mà còn muốn lập tức phản công. Lý do thứ hai quan trọng hơn: tôi luôn HẾT MÌNH. Khi nhìn lại chặng đường đáng nhớ của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, bắt đầu từ Thường Châu cho đến chuỗi bất bại ở vòng loại World Cup 2022, tôi nhìn thấy hai nguyên nhân lớn: tinh thần đồng đội đoàn kết và sự HẾT MÌNH ở mỗi cá nhân. Thầy Park luôn nói với chúng tôi: chỉ việc đá hết sức, nếu thất bại HLV sẽ gánh chịu. Không có sự hết mình ấy, hành trình kỳ diệu của bóng đá Việt Nam, khởi đầu bằng vòng chung kết châu Á 2018 đã kết thúc từ trong trứng nước. Rơi vào bảng đấu của Australia, Hàn Quốc và Syria, mọi người nghĩ Việt Nam có một điểm ra về đã là may mắn. Nhưng rồi chính sự hết mình và đoàn kết, chúng tôi đã lần lượt làm được những điều không tưởng. Chúng tôi tin tưởng nhau. Tin rằng chỉ cần đưa quả bóng đến chân Xuân Trường, thủ quân của mình sẽ giữ được nó dù có bao nhiêu người áp sát. Xuân Trước tin bóng chỉ cần đến chân Quang Hải, là hắn ta sẽ làm được điều không tưởng. Hải "con" tin nếu đưa quả bóng đến chân Công Phượng hay Đức Chinh, quả bóng sẽ kết thúc trong lưới đối phương. Chúng tôi tin tưởng nhau và tin tưởng vào bản thân mình. Và tất cả đã cùng nhau thẳng tiến đến chung kết. Kết thúc trận chung kết chỉ để thua Uzbekistan rất mạnh ở những phút cuối cùng, tôi đã có một khoảnh khắc để đời. Có một ai đó từ phía CĐV đưa lá cờ cho tôi. Lá cờ đỏ rực, giữa sân bóng phủ tuyết trắng, được một người từ tận Việt Nam lặn lội đến đây để thắp lửa cho các cầu thủ. Tôi tự hào cầm nó trên tay, đi cuối hàng, vừa đi vừa vẫy. Rồi nhìn thấy một đống tuyết lớn, tôi quyết định sẽ gửi lá cờ lại ở đó. Tôi không biết vì sao mình lại làm vậy. Nhưng giây phút tôi leo lên và đặt lá cờ xuống, có lẽ tôi đã nghĩ: Nào, thế giới sẽ nhìn thấy Việt Nam có thể làm được những điều lớn lao. Về Việt Nam, bố nói tôi hãy in tấm ảnh ấy, vì đó sẽ là một khoảnh khắc bất tử. Tôi đã rửa ra, treo nó lên ngay cửa vào, để ai đến cũng có thể nhìn thấy là cờ đỏ ngạo nghễ trên tuyết trắng. Duy Mạnh tại nhà riêng, bên bức ảnh cắm cờ trên tuyết tại Thường Châu. Ảnh: Lâm Thoả. Trong buổi chiều Thường Châu ấy, nhiều đồng đội của tôi đã khóc. Sau khi vô địch AFF Cup, bị loại ở ASIAD, nhiều người cũng khóc. Nhưng tôi không khóc. Lần gần nhất tôi khóc là khi Trần Đình Trọng chấn thương đứt dây chằng trong trận đấu giữa HAGL và Hà Nội hôm 31/5/2019. Nhìn đồng đội mình đau đớn, tôi đau lắm, nhưng vẫn động viên bạn mình cố lên. Đến khi dứt trận, biết Trọng đứt dây chằng, tôi đã không thể kềm nổi cảm xúc và bật khóc nức nở. Không ngờ sau này tôi dính chấn thương y hệt. Nhiều người nói chúng tôi thay phiên nhau chấn thương nặng vì quá tải, và lẽ ra chúng tôi nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Nhưng tôi cam đoan với các bạn: không một ai muốn nghỉ đâu. Với cầu thủ chúng tôi, thì không biết thi đấu thế nào là đủ, là vừa, là quá tải. Chúng tôi luôn mong vào sân. Có những lúc chúng tôi chấn thương nhẹ, vẫn vào sân thi đấu. Dù là CLB hay đội tuyển, hơi đau mà cố nén đá được thì chúng tôi luôn chấp nhận. Có những lúc mật độ quá dày, mỗi người đều nghĩ: Giá mà nghỉ vài ngày nhỉ? Nhưng khi thấy tên mình trong đội hình xuất phát, tất cả lại hăng hái. Và lại HẾT MÌNH. Chính điều đó đã giúp chúng tôi băng qua những khó khăn. Chúng tôi đã tập luyện hết mình, chơi bóng hết mình và bây giờ, sẽ nghỉ ngơi... hết mình, để có thể hồi phục toàn vẹn. Ngay sau khi mổ cho tôi, bác sĩ người Singapore đã căn dặn đầy ẩn ý. Ông bảo một cái cây theo đúng lịch tám tới chín tháng sẽ cho ra quả, nếu cố thúc ép thì đừng mong quả ngon. Tôi hiểu và tôi sẽ kiên nhẫn. Tôi sẽ lại chiến đấu cạnh đồng đội, nhưng chỉ khi tôi thực sự sẵn sàng. Vì Đình Trọng đang trở lại. Nên Duy Mạnh cũng sẽ trở lại. Và chúng tôi sẽ tiếp tục HẾT MÌNH cùng nhau!