Điểm qua các trận đấu hay nhất của World Cup xưa nay, bạn sẽ chẳng thấy trận nào thuộc VCK World Cup 1962. Người hùng của World Cup 1962? Rất ít khi được nhắc đến. Tại sao? Bởi 1962 là kỳ World Cup bị quên lãng. Xem thêm: Cá cược bóng đá WORLD CUP CHÔN VÙI CÁC HUYỀN THOẠI Kể cũng lạ, khi World Cup 1962 gồm những Ferenc Puskas, Alfredo di Stefano, Lev Yashin, Pele... rút cuộc lại trở thành kỳ World Cup bị quên lãng. Kỳ thực, sau khi ghi bàn ở trận ra quân thì Pele chấn thương ở trận thứ 2 của vòng bảng và World Cup 1962 khép lại với ông ở thời điểm ấy. Số phận Di Stefano còn hẩm hiu hơn, khi ông chấn thương từ trước khi giải đấu bắt đầu và không được ra sân trận nào. Cũng có tài liệu cho rằng, sự thực thì Di Stefano “đụng chạm” tới Helenio Herrera và vị HLV này chỉ mượn cớ chấn thương để không sử dụng Di Stefano. Đằng nào cũng vậy, lần dự World Cup duy nhất trong sự nghiệp cầu thủ của Di Stefano là cơn ác mộng, đáng quên cho cả ông lẫn đội tuyển TBN. Mọi người đều biết, Di Stefano chỉ khoác áo TBN nhờ luật FIFA khi ấy còn lỏng lẻo, khiến đội tuyển này được quyền sử dụng một cầu thủ đã từng khoác áo Argentina và Colombia. Ngoài Di Stefano, đội tuyển TBN tại World Cup 1962 còn bao gồm các tượng đài đến từ nơi khác là Jose Santamaria và Puskas. Họ đã dự World Cup 1954 trong màu áo Uruguay và Hungary. Bấy giờ, đã 8 năm trôi qua kể từ khi Puskas tỏa sáng trong “Đội bóng vàng”. Ông đã ở tuổi 35, đã lưu vong sau biến cố chính trị 1956 tại Hungary, đã thay đổi từ lối chơi đến môi trường bóng đá. Đấy chỉ còn là một Puskas hoàn toàn mờ nhạt. Cũng vậy, Santamaria không giúp được bao nhiêu cho đội tuyển TBN. Yashin thì thậm chí còn bị coi là nguyên nhân thất bại của đội tuyển Liên Xô. Ông thường xuyên vào lưới nhặt bóng vì những sai lầm cá nhân. Ngay cả các nhà vô địch World Cup 1962 trong đội hình Brazil như Zagallo, Vava, Didi, Zito, Nilton Santos, Djalma Santos, Gilmar cũng đã già, mờ nhạt hơn chính họ so với thời điểm vô địch World Cup 1958. Cũng trong đoàn quân vô địch World Cup 1958 của Brazil, cầu thủ Jose Alfatini giờ đã là tuyển thủ Italia. Không như các kỳ World Cup 1934, 1938, chiến lược sử dụng “ngoại binh” của Azzurri không đem lại hiệu quả ở kỳ World Cup này. Giống TBN, Italia về nước ngay sau vòng bảng. BRAZIL THÀNH CÔNG NHỜ “CẦU THỦ NGHIỆP DƯ CUỐI CÙNG” Trong bối cảnh những tên tuổi lớn đều nhạt nhòa như thế, một mình Garrincha tỏa sáng, giúp Brazil bảo vệ thành công ngôi vô địch World Cup. Didi nói đúng, khi ông tuyên bố trước giải: “Chúng tôi chỉ cần làm được phân nửa những gì đã làm tại Thụy Điển là đủ vô địch kỳ World Cup này”. Nhìn lại lịch sử, chỉ có đúng 2 ngôi sao gần như một mình quyết định danh hiệu vô địch World Cup cho toàn đội. Đó là Diego Maradona tại Mexico 1986 và Garrincha tại Chile 1962. Nhưng Maradona là một cầu thủ vĩ đại mà nhiều người tin rằng xứng đáng xếp trên cả Pele trong bảng vàng huyền thoại. Thế còn Garrincha? Giống như sự quên lãng mà lịch sử dành cho World Cup 1962, bản thân Garrincha cũng chưa bao giờ nổi đình nổi đám. World Cup 1962 là sự kiện khắc họa rất rõ đặc điểm kỳ lạ của Garrincha. Ông và Pele là cặp bài trùng trên sân, cũng là 2 tài năng bóng đá lớn nhất trên xứ sở Samba. Nhưng ông và Pele lại khác nhau như ngày và đêm. Pele luôn chăm chút cho sự nghiệp, sớm biết tận dụng danh tiếng để kiếm tiền, ký hợp đồng quảng cáo và dùng tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác. Garrincha thì chỉ chơi bóng vì niềm vui, chẳng bao giờ đoái hoài danh tiếng, sống phóng túng và không biết đến khái niệm dành dụm, nói gì đến chuyện sử dụng đồng tiền có hiệu quả. Nếu như Pele là ngôi sao bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên thì, ngược lại, Garrincha là ngôi sao nghiệp dư cuối cùng trong bóng đá đỉnh cao. Sau khi thăng hoa trên sân cỏ Chile, Garrincha lại về Brazil bù khú với những người bạn nghèo, uống những loại rượu rẻ tiền, sống phóng túng cho đến khi qua đời trong đói nghèo. Ông là một tài năng bóng đá vĩ đại, nhưng ông chưa bao giờ là một ngôi sao theo kiểu “celebrity”. Cứ coi như Chile 1962 là kỳ World Cup không có ngôi sao, không bàn thắng đẹp, không trận cầu hay. Hoặc nói đúng hơn: có cũng như không, vì ít ai cần nhớ điều gì về giải đấu này! Chuyển sân đấu vì Chile vào bán kết Nước chủ nhà Chile năm đó đã có một quyết định vô cùng nghiệp dư khi xin FIFA cho chuyển trận đấu giữa họ và Brazil sang sân chính Nacional (lẽ ra phải diễn ra ở sân Sausalito) chỉ vì Chile lọt vào bán kết. Hệ quả là trận bán kết 1 giữa Tiệp Khắc và Nam Tư chỉ có vỏn vẹn 5.890 khán giả, trong khi trận Chile - Brazil (ảnh) có tới 76.500 khán giả dự khán. KỶ LỤC CHỜ PHÁ Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của World Cup có tới 6 cầu thủ cùng đoạt danh hiệu Vua phá lưới. Garrincha (ảnh) và Vava (Brazil), Sanchez (Chile), Albert (Hungary), Ivanov (Liên Xô) cùng Jerkovic (Nam Tư) đều cùng ghi được 4 bàn thắng. Cho đến trước World Cup 1962, chưa từng có tiền lệ có quá 2 cầu thủ cùng đoạt danh hiệu Vua phá lưới và cũng chưa từng có giải đấu nào mà Vua phá lưới chỉ ghi được 4 bàn. Cũng chính vì vậy, FIFA tỏ ra khá bối rối trước hiện tượng này và họ quyết định trao đại diện danh hiệu Vua phá lưới cho siêu sao Garrincha của ĐT Brazil vì một lý do khá khôi hài: Vì Garrincha đã lọt vào trận chung kết. Phải mãi đến World Cup 1994 mới có một kỳ World Cup mà danh hiệu Vua phá lưới phải chia cho từ 2 cầu thủ trở lên. NGÔI SAO CỦA GIẢI Cuối năm 1962, tạp chí France Football trao giải QBV châu Âu cho cầu thủ Tiệp Khắc Josef Masopust. Đây cũng là một cầu thủ huyền thoại, và ông xứng đáng lĩnh “Quả Bóng vàng châu Âu” nhờ chơi rất hay, đưa Tiệp Khắc vào trận chung kết World Cup. Masopust thuộc mẫu tiền vệ con thoi, di chuyển liên tục, có ảnh hưởng ở cả khía cạnh chiến thuật lẫn tinh thần. Ông có kỹ thuật điêu luyện, nhưng ông thành công nhờ phát huy giá trị thủ lĩnh hơn là phô diễn tài nghệ cá nhân. BẠN CÓ BIẾT? Garrincha được xóa thẻ vì trọng tài... bỏ trốn Ngôi sao sáng nhất của ĐT Brazil, Garrincha lẽ ra không được dự trận chung kết với Tiệp Khắc do nhận thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội trong trận bán kết. Tuy nhiên, một sự kiện hy hữu đã xảy ra. Vị trợ lý trọng tài phát hiện ra tình huống đánh nguội của Garrincha bỗng dưng trốn khỏi Chile. Trọng tài chính viết lại biên bản. Và do không có trợ lý biên tường trình sự việc, FIFA xóa án treo giò, để Garrincha góp mặt trong trận chung kết! CON SỐ: 1 - 1962 là kỳ World Cup đầu tiên FIFA sử dụng khái niệm hiệu số bàn thắng-thua để so sánh nếu có từ 2 đội tuyển trở lên có cùng điểm số. 3 - World Cup 1962 cũng là lần đầu tiên (tính đến thời điểm đó) tỷ lệ ghi bàn thấp hơn 3 bàn/trận (chính xác là 2,78 bàn/trận). 34 - Mới qua 3 loạt đấu, tức là phân nửa vòng bảng, báo chí địa phương đã ghi nhận 34 ca chấn thương - chỉ tính những vụ nghiêm trọng khiến nạn nhân không thể tiếp tục chơi bóng. Khôi hài là vào thời điểm đó chưa áp dụng luật… thay người.