Tìm hiểu kỹ về các bộ phận của xe nâng sẽ giúp bạn dễ dàng điều khiển cũng như bảo trì, bảo dưỡng thiết bị này hơn. Xe nâng hiện nay đã trở thành một thiết bị vô cùng quen thuộc, nó xuất hiện rộng rãi ở các nhà kho, nhà xưởng, khu sản xuất, nhà máy… Với sự trợ giúp của xe nâng, người lao động có thể rút ngắn thời gian bốc dỡ, sắp xếp hàng hóa, tăng hiệu quả công việc. Tuy xe nâng đã trở nên quen thuộc, nhưng chắc chắn không có nhiều người nắm rõ về từng bộ phận của chúng. Nếu bạn nằm trong số ấy, hãy cùng với Vina-Forklift tìm hiểu kỹ hơn về các bộ phận có trong một chiếc xe nâng. Tìm hiểu các bộ phận của xe nâng – Cột nâng (mast): Gồm 2 trụ kim loại lớn, đóng vai trò làm trụ đỡ cho toàn bộ hệ thống nâng. Độ nghiêng cột nâng được điều chỉnh bởi người lái để giữ hàng hóa ổn định hơn khi vận chuyển. – Xy lanh nghiêng (tilt cylinder): Là các ống thủy lực có nhiệm vụ điều chỉnh độ nghiêng của cột nâng. – Giàn nâng (carriage): Giàn nâng là một khung kim loại chắc chắn được gắn trực tiếp với hệ thống nâng hạ cơ học. Các bộ phận nâng gián tiếp đều được gắn trên giàn nâng. – Xích/xy lanh nâng (lift chain/cylinder): Bộ phận này có cấu tạo gồm các sợi xích gắn với mô tơ nâng hoặc xi lanh thủy lực. Nhiệm vụ của nó là kéo giàn nâng đi lên và giữ giàn nâng khi hạ xuống. – Càng nâng (fork): Càng nâng gồm hai thanh kim loại có hình dạng giống như các mũi của chiếc nĩa nên được gọi là fork. Người lái xe nâng sẽ điều khiển để đưa càng vào bên dưới kệ hàng, sau đó nâng lên và di chuyển. Khoảng cách giữa hai càng có thể được điều chỉnh để phù hợp với nhiều loại hàng hóa khác nhau. – Giá đỡ (Backrest): bộ phận này được lắp trên càng nâng để cho hàng hóa tựa vào khi cột nâng nghiêng về phía sau giúp hàng được giữ vững hơn. Với giá đỡ, việc vận chuyển hàng trên các mặt đường gồ ghề sẽ an toàn hơn. – Động cơ (Engine): Là bộ phận của xe nâng quan trọng nhất. Nó phát ra công suất để cung cấp động lực cho xe nâng. Hiện tại, động cơ 4 kỳ xăng hoặc dầu diesel là được sử dụng rộng rãi nhất. Động cơ thường bao gồm các bộ phận như thanh truyền, xi lanh, piston và hệ thống trục khuỷu. – Bánh tải (drive wheel): là hai bánh xe nằm ở phía trước, được gắn với động cơ tải, giúp xe nâng di chuyển tiến lùi. Ngoài ra, bộ phận này còn đóng vai trò như tâm đối trọng. Nói cho dễ hiểu thì xe nâng là một đòn bẩy, trong đó bánh tải là tâm đòn bẩy, còn bộ phận đối trọng với hàng hóa là hai đầu của đòn bẩy. – Bánh lái (rear wheel): là hệ thống bánh phía sau, đảm nhận nhiệm vụ điều chỉnh hướng xe nâng sang hai bên. Bánh lái thường không được truyền lực tải từ mô tơ tải. – Đối trọng (counter-weight): bộ phận này có vai trò tạo nên đối trọng với trọng lượng hàng hóa, giúp xe nâng thăng bằng khi bốc dỡ. Tải trọng của xe nâng phụ thuộc nhiều vào bộ phận này. – Buồng lái (cabin): là nơi người lái đứng hoặc ngồi trong quá trình điều khiển xe – Mui xe (overhead guard): Công dụng chính của bộ phận này là bảo vệ người lái khỏi các vật thể hàng hóa hóa rơi vào người. – Vô lăng (steering wheel): dùng để điều khiển xe di chuyển. Tuy nhiên, một số loại xe nâng không có bộ phận này, thay vào đó là tay cầm. Với bài viết này, Vina-Forklift hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về từng bộ phận của xe nâng và vai trò quan trọng của chúng. Rất mong được gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.